Hơn 10 công ty phần mềm Việt Nam mở chi nhánh tại Nhật
Trong chương trình Japan ICT Day 2016 diễn ra ngày 26/10 tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho hay, khi sự kiện này được tổ chức lần đầu năm 2007, thị phần gia công xuất khẩu của Việt Nam tại Nhật chưa đến 1% và hầu như chưa doanh nghiệp phần mềm nào đầu tư mở chi nhánh tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, từ năm 2014, Việt Nam đã trở thành đối tác lớn thứ hai về gia công phần mềm và dịch vụ, cũng như là đối tác được yêu thích nhất của Nhật từ năm 2009. Đặc biệt, theo JETRO, đã có hơn 10 doanh nghiệp phần mềm Việt đầu tư mở công ty/chi nhánh tại Nhật.
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt - Nhật trong lĩnh vực CNTT. |
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định, quan hệ hợp tác giữa hai nước đang có bước phát triển mạnh mẽ: "Hiện nay, Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực CNTT, quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng có bước tiến dài".
Bộ Thông tin Truyền thông đang tiếp tục đẩy mạnh để tạo đột phá trong lĩnh vực CNTT, tập trung vào năm trọng tâm gồm phát triển nguồn nhân lực CNTT nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao, công viên phần mềm; hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông tốc độ cao, thuận lợi và đảm bảo về an toàn thông tin; ứng dụng hiệu quả CNTT trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội và thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT.
Bà Yuko Adachi, Phó chủ tịch Gartner Nhật Bản, nhận định Việt Nam có nhiều lợi thế như sự hỗ trợ của chính phủ, cơ sở hạ tầng tốt, chính trị ổn định, văn hóa phù hợp, nhân lực dồi dào, khả năng ngôn ngữ tốt, chi phí cạnh tranh, bảo mật thông tin khách hàng tốt và tuân theo quy chuẩn của quốc tế.
Tuy nhiên, so với các thị trường khác, hiện Việt Nam chỉ duy trì được ba lợi thế cạnh tranh ở mức cao gồm giá cả, tuân thủ quy trình quốc tế và ý thức bảo mật thông tin. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển dịch, phá thế bị động, tiêu chuẩn hóa những quy trình sản xuất và con người, nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật mới để chuẩn bị cho sự hợp tác trong giai đoạn mới.