Facebook có thể nghe lén người dùng phục vụ cho quảng cáo
Mạng xã hội của Mark đang theo dõi người dùng để phục vụ cho quảng cáo? Ảnh: IBTimes. |
Kelli Burns, giáo sư chuyên ngành truyền thông tại Đại học Nam Florida, vừa đưa ra cảnh báo rằng không nên đăng tải video, cũng như trò chuyện bằng các ứng dụng của Facebook để tránh mạng xã hội này theo dõi. Cô đưa ra cảnh báo sau khi hợp tác điều tra với NBC (Mỹ) về khả năng nghe lén người dùng của Facebook.
Burns và nhóm nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu một tính năng mới phát hành ở Mỹ, mà nếu được kích hoạt, nó lập tức cho phép ứng dụng Facebook thu các đoạn âm thanh xung quanh để "nhận dạng và chia sẻ". Mục đích của tính năng là để nhận dạng những gì người dùng đang xem hoặc đang nghe khi đang cập nhật trạng thái.
"Chúng tôi thực hiện thí nghiệm bằng cách bật tính năng này, đồng thời thảo luận về kỳ nghỉ sắp tới. Tôi nói rằng mình thực sự quan tâm đến kỳ nghỉ tại châu Phi và thật thú vị nếu được du ngoạn bằng xe jeep. Chưa đầy 1 phút sau, trên News Feed xuất hiện những bài viết về các chuyến đi săn, các bài báo về châu Phi, các mẫu xe jeep… và đa phần bên dưới kèm thêm thông tin 'được tài trợ' dù trước đó nó không hề có", Burns cho biết.
Người dùng đang bị nghe lén thông qua các ứng dụng của Facebook? |
Nữ giáo sư cũng đưa ra cảnh báo rằng, hầu hết người dùng quá chủ quan với Facebook mà quên mất rằng mình đang theo dõi. "Nếu họ đưa ra tính năng để thu thập âm thanh, thì cũng có thể họ làm điều đó một cách âm thầm. Điều này thật tai hai, bởi bạn sẽ bị lợi dụng để thu thập thông tin mà không hề hay biết", Burns nhấn mạnh.
Về phần Facebook, hãng lập tức đưa ra lời giải thích, và tất nhiên là họ từ chối cáo buộc từ phía Burns và nhóm nghiên cứu. "Không, chúng tôi không bao giờ ghi âm lại những gì bạn đang nói. Khi bạn bật tính năng này, chúng tôi chỉ sử dụng microphone để xác định thứ bạn đang nghe, xem và chỉ hoạt động khi bạn cập nhật trạng thái. Facebook hoàn toàn không thu thập chúng", Facebook viết trên trang trợ giúp.
Đây không phải là lần đầu tiên Facebook bị cáo buộc thu thập thông tin người dùng thông qua âm thanh. 2014 là năm đầu tiên mạng xã hội lớn nhất thế giới đưa vào tính năng nhận dạng âm thanh, lập tức nó bị cáo buộc "đã rình mò người sử dụng". Để rồi sau đó, Gregg Stefancik, người đứng đầu cơ sở hạ tầng bảo mật của Facebook, phải giải thích dữ liệu hoàn toàn nằm trong tay người dùng và sau đó phải loại bỏ tính năng này.
Đầu năm 2016, trên Reddit cũng xuất hiện cuộc thảo luận "Làm thế nào để Facebook ngưng lắng nghe các cuộc trò chuyện của tôi". Một người kể rằng, cô đã nói thật to những thứ "riêng tư" cho chồng sắp cưới, và sau đó quảng cáo liên quan liên tục xuất hiện, khiến cả hai đều bối rối. Chủ đề đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng, tuy nhiên, lời khuyên chân thành nhất khi đó là nên xóa ứng dụng của Facebook, thậm chí, xóa tài khoản để tránh phiền phức.
Bảo Lâm