'Người bạn' cùng tôi trên những nẻo đường thiện nguyện
Tiếng âm báo Reminder vang lên, thực ra không cần được nhắc, tôi cũng nhớ hôm nay đi một vài xã thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam để khảo sát các đối tượng khuyết tật nghèo. Là nhân viên phụ trách chương trình xe lăn của một tổ chức phi chính phủ tại TP Đà Nẵng, công việc của tôi thường xuyên là những chuyến đi như vậy. Chuẩn bị hành trang cho chuyến đi, tôi mang theo chiếc iPhone 6, trên tay là chiếc đồng hồ bạn tặng. Tôi đặc biệt thích chiếc đồng hồ này vì nó có cả thứ và ngày dễ nhắc nhớ tôi trong công việc và cuộc sống.
Từ lâu tôi không mang theo sổ và bút trên những chuyến đi như thế này, vì số lượng bệnh nhân khảo sát mỗi ngày rất nhiều, thời gian gặp mỗi bệnh nhân khoảng 7-10 phút. Nếu tôi rút sổ bút ra ghi chép thì rất lâu, không kịp việc. Vậy là tôi dùng chiếc điện thoại của mình ghi âm và chụp hình, thậm chí quay phim lại. Toàn bộ dữ liệu tôi lưu trên đó, đến lúc về cơ quan hoặc về nhà, tôi ngồi mở lại một số file được đánh dấu sẵn để ghi chép lại thông tin ra giấy.
![]() |
Trong những chuyến đi, Dropbox và Teamviewer cũng là những trợ thủ đắc lực của tôi. Có những lúc ở cơ quan bài báo cáo chưa làm xong, tôi up vội lên Dropbox trên máy tính, khi nào rảnh rỗi, tôi mở Dropbox trên điện thoại hoặc laptop để làm tiếp cho kịp tiến độ. Teamview thì lại giống như cứu cánh của tôi. Tôi còn nhớ có lần đi tập huấn cho các đối tác ở Hà Nội, nội dung tập huấn đã chuẩn bị rất kỹ, ngoại trừ một số video. Chỉ còn khoảng 20 phút là đến giờ tập huấn, tôi mở Teamview lấy file trên máy tính chép qua Dropbox, khi đã đồng bộ xong, tôi lấy file từ Dropbox trên chiếc laptop cũ mà cơ quan cấp để đi công tác. Vậy là nó đã cứu tôi một bàn thua trông thấy.
Đồng nghiệp còn đùa rằng máy tính của tôi có “ma”, vì chẳng có ai ngồi mà vẫn có “ma nhập” để lấy file, gửi thông tin, báo cáo, hình ảnh cho đối tác hoặc nhà tài trợ…
Thường trong những chuyến đi như thế, tôi chạy xe máy khá nhanh, với tốc độ trung bình 70km một giờ trên đường quốc lộ. Quãng đường gần 60km rồi cũng trôi qua. Đến UBND xã đầu tiên, tôi rút điện thoại ra gọi người phụ trách tại xã. Cũng phải nói thêm rằng, tôi rất thích những chiếc điện thoại có cảm biến vân tay, vì rút ra là dùng ngay không cần mất thời gian nhập mật khẩu. Người phụ trách ở xã nói là anh đang bận họp, khoảng 15 phút sau mới gặp được.
Tạt vào quán uống vội ly café, tôi mở Outlook để xem hôm nay đã có lịch trình container xe lăn nào về không, hay phía nhà tài trợ có gửi e-mail gì về chương trình thử nghiệm loại xe lăn mới không. Trong khi những đồng nghiệp khác thường dùng ứng dụng mail mặc định, tôi lại chọn Outlook vì có thể truy cập những file đính kèm gần đây để có thể gửi cho đối tác khi cần thiết.
Chiều trở về cơ quan, vì còn nhiều việc cần làm gấp, một số file ghi âm và ảnh chụp bệnh nhân quan trọng mà chưa viết thông tin kịp, tôi nhanh chóng upload lên Dropbox để nghe khi cần. Tôi đề phòng trường hợp điện thoại mình bị trục trặc gì thì vẫn còn những lưu được những file quan trọng trên đó.
Gần 3 năm trên những con đường để tiếp xúc với những bệnh nhân nghèo cần xe lăn hoặc tham dự những đợt cấp phát xe lăn, tôi đã chứng kiến khoảnh khắc họ hạnh phúc, sung sướng vì có chiếc xe lăn đi lại sau nhiều năm không được nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Chiếc điện thoại đã trở thành vật bất ly thân và là trợ thủ đắc lực cho công việc của tôi. Chiếc điện thoại vẫn ngày ngày bên tôi trên những chuyến đi thiện nguyện như vậy…
Hà Quang Hiều